Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức nằm về phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Địa bàn xã xa trung tâm thành phố, là nơi giáp ranh với các huyện: Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) và huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Địa bàn xã Hương Sơn có đủ các yếu tố địa lý gồm: núi, rừng, sông, suối, đồng ruộng và thung lũng lầy thụt. Núi rừng Hương Sơn có nhiều hang động, chùa triền, nơi cõi phật, với câu chuyện về bà Chúa Ba và lễ hội chùa Hương dài ngày nhất trong cả nước. Vùng đất Hương Sơn đầy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế: nông - lâm - ngư nghiệp - du lịch tâm linh, sinh thái và dịch vụ thương mại. Hương Sơn còn có thế mạnh về mặt quân sự, nơi ẩn chứa tiềm năng xây dựng căn cứ hậu cần và củng cố lực lượng.
Hương Sơn nơi “sơn thanh - cảnh tú”, giữa “bầu trời - cảnh phật” từ bao đời đã làm say đắm lòng người, nơi cảm hứng thơ ca. Du khách trong và ngoài nước, mỗi khi về Hương Sơn trẩy hội mùa xuân vẫn như muốn hẹn hò: “Hương Sơn ơi tôi còn đến nữa”.
Hương Sơn là bức tranh tổng hòa giữa thiên nhiên và con người, đặc biệt là động Hương Tích - Chùa Hương. Rừng núi Hương Sơn có những hang động ẩn chứa nhiều dấu tích về sự sống của con người Việt cổ và những câu chuyện huyền bí qua hàng vạn năm, cùng những hình tượng do nhũ đá tạo hóa như thể có ai khéo tay xếp đặt. Chúa Trịnh Sâm khi thăm động chùa Tiên Sơn không chỉ có những vần thơ, mà vào tới động Hương Tích, động Tuyết Sơn, thấy cảnh vật đã đề các chữ “Nam thiên đệ nhất động” và “Kỳ Sơn thủy tú”.
Từ xưa, Hương Sơn đã là căn cứ của nhiều nghĩa sỹ yêu nước trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Thế kỷ XX, Hương Sơn là vùng đất sớm có phong trào cách mạng do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939 - 1945), ở Hương Sơn, lễ hội nào Xứ ủy Bắc kỳ và Tỉnh ủy Hà Đông cũng tổ chức những cuộc treo cờ, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu cách mạng, diễn thuyết để khách thập phương khi trẩy hội về sẽ truyền tin trong nhân dân. Đường lối đoàn kết cứu nước do Đảng lãnh đạo kỳ hội chùa hàng năm đã lan tỏa đến các địa phương ở xứ Bắc Kỳ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1946 - 1954, vùng đất - rừng núi Hương Sơn là căn cứ đặc biệt quan trọng, nơi xây dựng kho chứa của lĩnh vực hậu cần, nơi sản xuất vũ khí của các công binh xưởng, nơi ta tập kết lực lượng để mở các chiến dịch quân sự, nơi Liên khu ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy và nhiều xã thường sử dụng địa bàn để ràn cán - chỉnh quân. Thấy rõ những lợi thế của Hương Sơn, thực dân Pháp đã tàn phá xóm làng, thiết lập vành đai trắng không người dọc theo dãy núi Hương Sơn. Mặc dù vậy, Đảng bộ và nhân dân Hương Sơn luôn phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, lợi dụng địa bàn hiểm trở để đánh giặc, đồng thời có nhiều đóng góp to lớn về “sức người - sức của” vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, trong sự nghiệp kiến tạo quê hương, nhân dân Hương Sơn tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế văn hóa, xây dựng hợp tác xã, phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời đóng góp “sức người - sức của” vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc.
Trong khôi phục và phát triển kinh tế, kỳ tích đặc biệt quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hương Sơn là làm thủy lợi, với hai nhiệm vụ: đào tạo tuyến đê ngăn lũ rừng ngang và quy hoạch - cải tạo đồng ruộng. Sự kiên trì và lòng quyết tâm chiến thắng những cơn “hồng thủy” của dân - của Đảng trong hơn 10 năm thi công, gia cố - bồi đắp, đã tạo nên tuyến đê bao ngăn lũ dài trên 13 km chạy dọc theo dãy núi Hương Sơn bắt lũ rừng ngang đổ ra sông Đáy. Cùng với công trình đê bao là hệ thống kênh mương nội đồng, các trạm bơm tiêu về mùa lũ, tưới về mùa khô đã đưa vùng đồng chiêm trũng từ xưa vốn lầy thụt quanh năm trở thành hai vụ lúa và một vụ đông, là cơ sở đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng.
Từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tiềm năng về đất và người ở Hương Sơn được khơi dậy, đặc biệt là lĩnh vực du lịch tâm, linh - sinh thái gắn với dịch vụ, thương mại. Ngành kinh tế mũi nhọn này tuy một năm sôi nổi nhất trong ba tháng hội chùa mùa xuân, nhưng có giá trị về mọi mặt. Lĩnh vực kinh tế du lịch, dịch vụ này vốn có từ lâu, nhưng thực sự trỗi dậy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế do Đảng bộ - chính quyền xã lãnh đạo, chỉ đạo. Ngành kinh tế thương mại - dịch vụ và du lịch tâm linh đã cùng tiềm năng kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp đưa vùng đất Hương Sơn như một Thị tứ sầm uất, nhộn nhịp ở nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Nam và Hòa Bình.
Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng quê hương đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cán bộ và nhân dân xã Hương Sơn nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng Nhất và đặc biệt là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.