Bài tuyên truyền "80 năm - Truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam"
Cách đây 80 năm, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Vương Mạc Thanh) làm chính trị viên. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo. Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25-12-1944 (ngay sau ngày thành lập), Đội đã mưu trí, tạo bạo, bất ngờ đột nhập đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và 7 giờ sáng ngày 26-12-1944, lại đột nhập tấn công đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) với hai chiến thắng mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta. Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước là Việt Nam truyền thống giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác… thành Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm tư lệnh. Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác…) thành Việt Nam Giải phóng quân; đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ cách mạng.
Từ tháng 4/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần đã giành thắng lợi ở nhiều nơi. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam giải phóng quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 và đã giành thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử tuyên bố với thế giới, với quốc dân đồng bào Nhà nước công nông đầu tiên trên ở Đông Nam châu Á đã ra đời. Đồng thời Việt Nam Giải phóng quân đổi thành Vệ quốc quân. Năm 1946 Vệ quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được lấy làm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước nhiều khó khăn chồng chất, cùng một thời điểm phải đối phó với ba giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Ở Nam Bộ, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được quân Anh, quân Nhật giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10-1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các thành phố từ vĩ tuyến 16 mở ra. Trong bối cảnh đó, Vệ quốc quân vừa xây dựng vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng vũ trang đã cùng với lực lượng tự vệ chống giặc ngoài, thù trong, góp phần bảo vệ chính quyền nhân dân trong những năm đầu của chính quyền cách mạng. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Vệ quốc quân đã anh dũng chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội, làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh”, đánh bại âm mưu “bình định” và “phản công” của địch, cùng toàn dân giành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953 - 1954) với 5 đòn tiến công chiến lược, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.
Sau khi thực dân Pháp đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, trước thời cơ thuận lợi, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944 - 1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, từng bước hiện đại, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ gìn, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở Việt Nam, từng bước đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, mà Trung ương Đảng xác định đó là “trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”, quân đội ta nhanh chóng xây dựng theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955-1960) với phương châm: Tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại. Ở miền Nam, tháng 6/1954, Mỹ dựng chính quyền Ngô Đình Diệm và ráo riết khủng bố tàn bạo. Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) mở rộng đã xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng miền Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Ngày 17/1/1960, nhân dân các huyện Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phúc tỉnh Bến Tre nhất loạt nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “Đồng Khởi” lan rộng ra nhiều tỉnh Nam Bộ, khu 5. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận trực tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam. Chúng ta lần lượt giữ gìn và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam, đánh bại: “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ hai vào miền Bắc của đế quốc Mỹ (1969-1972). Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam - Bắc, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-1-1973. Sau khi Hiệp định được ký kết, với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong quá trình rút quân, đế quốc Mỹ vẫn để lại nhiều sĩ quan mặc áo dân sự và giao lại cho quân đội Sài Gòn toàn bộ cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh. Dựa vào viện trợ của quan thầy Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Nắm chắc được âm mưu của địch, Hội nghị Bộ chính trị tháng 10-1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch trong tình hình mới, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thu non sông về một mối. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, nhiệm vụ của quân đội được Trung ương Đảng nêu rõ: “Ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta… bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất. Tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Để thực hiện nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong 5 năm (1976-1981). Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn pốt - Iêng xary; hồi sinh, tái thiết đất nước Campuchia. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1979, quân đội ta đã triển khai cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu”. Quân đội ta đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm đổi mới đất nước. Đồng thời “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới. Chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh” .
Trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Hiện nay, trên thế giới và khu vực bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển thì có những diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường. Do vậy, bên cạnh thuận lợi, thời cơ thì cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh bốn nguy cơ mà Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII đã nêu ra đang được ngăn chặn, đẩy lùi từng bước thì bây giờ lại xuất hiện năm vấn đề bức xúc của xã hội ảnh hưởng hằng ngày, hằng giờ đến tư tưởng, đến sức sức khỏe và tính mạng của các tầng lớp nhân dân. Đó là: Các thế lực thù địch, phản động đang đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chúng sử dụng mạng xã hội, internet tung ra các tài liệu xấu, độc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, hòng gây nghi ngờ chia sẻ trong nội bộ, chia rẽ Đảng với nhân dân, chia rẽ Đảng với quân đội và phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang. Mục đích của chúng là hướng lái đất nước đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt, có năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn, có quan hệ chặt chẽ, máu thịt với nhân dân. Đặc biệt, trong công cuộc chống dịch COVID-19, quân đội ta đang phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” để xung kích, tiên phong trong việc đẩy lùi đại dịch, đem lại sự bình yên cho nhân dân.
Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước "chống dịch như chống giặc", "coi sức khoẻ , tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết" Quân đội ta không ngại hy sinh, gian khổ mang hết dũng khí của người quân nhân cách mạng hết lòng vì dân mà phục vụ. Trong đợt chống dịch lần thứ tư vừa qua, với biến thể Delta lây lan vô cùng nhanh, mạnh và cực kỳ nguy hiểm đã có hàng trăm ngàn sĩ quan, chiến sỹ xung kích vào giúp thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dập dịch và tham gia tích cực làm công tác an sinh xã hội để giúp người dân. Ngay cả việc đưa các bệnh nhân đi mai táng và gửi lại bình tro của người mất cũng được giao cho cán bộ, chiến sỹ quân đội đảm nhiệm bất kể ngày đêm! Trong những ngày chống dịch vừa qua và hiện nay, tình quân dân như “cá với nước” lại được tiếp tục khẳng định để khẳng định truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” luôn thường trực và là nhiệm vụ thường xuyên của quân đội Việt Nam - một quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh đã luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”! Quân đội nhân dân Việt Nam - từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà chiến đấu! Do vậy, trước biến thể Omicron của đại dịch COVID-19, chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đi đầu trong công cuộc chống đại dịch hết sức cam go này. Song chúng ta tin tưởng việc thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội thành công sẽ góp phần hiện thực hoá khát vọng Đại hội XIII của Đảng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc sẽ đi đến thắng lợi!
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được khái quát cô đọng trong lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Truyền thống đó được thể hiện:
- Trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
- Quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng.
- Gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân với dân một ý chí.
- Đoàn kết nội bộ; cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu, giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động.
- Kỷ luật tự giác, nghiêm minh.
- Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, cần, kiệm xây dựng Quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công.
- Lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan.
- Luôn luôn nêu cao tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, ứng xử chuẩn mực, tinh tế.
- Đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.
Thêm bình luận :