Chùa Hương xưa tìm về

31/10/2022
“Tìm lại Chùa Hương” - có một Chùa Hương cổ kính, tôn nghiêm, trầm mặc được tái hiện trong những bộ ảnh cổ của người Pháp chụp năm 1927-1955.

Cách trung tâm thủ đô 62 km về phía Tây Nam, thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, Chùa Hương không chỉ đựợc biết đến với địa danh nổi tiếng về di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh mà còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền, chùa, hang, động gắn liền với núi rừng và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa không thể trộn lẫn giữa thiên nhiên hùng vĩ

Trải qua nhiều đời chư Tổ gây dựng, đến nửa đầu thế kỷ 20, nơi đây được khách thập phương ngợi ca, ví như tòa lâu đài tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”. Nhưng đáng tiếc, ngày 11 tháng 2 năm Đinh Hợi 1947, thực dân Pháp đưa quân vào đây đốt phá, biến Thiên Trù thành đống gạch vụn tro tàn. Năm 1948, giặc lại vào đốt phá lần nữa, rồi năm 1950 quân Pháp cho máy bay thả bom khiến cho mấy tòa cổ sái của Thiên Trù bị san phẳng.

Những công trình nguy nga tráng lệ xưa đã không còn do chiến tranh tàn phá. Những tao nhân mặc khách về Chùa Hương chiêm bái lễ Phật ngày nay vẫn thấy tòa ngang dãy dọc đẹp phiêu bồng như tranh giữa nơi sơn thủy hữu tình, nhưng đó là những công trình được phục dựng lại từ nửa thế kỷ nay.

Một bộ ảnh chùa Hương được chụp từ cách đây hơn 60 năm trở về là kho tư liệu vô cùng giá trị, cho chúng ta được nhìn, được thấy những “toà cổ sái nguy nga bậc nhất trời Nam” trong quá khứ.

Không thể nói hết được những khó khăn vất vả khi đi tìm lại bộ ảnh Chùa Hương xưa.

TT.Thích Minh Hiền- trụ trì chùa Hương cho biết: đã dầy công tìm kiếm và cho học trò đi đến nhiều thư viện và trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Pháp và Việt Nam như Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, viết tắt EFEO), Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France), Trung tâm lưu trữ Quốc gia I-II-III, Thư viện Quốc gia, Viện Hán-Nôm… và đã tận thấy được nhiều ảnh tư liệu lịch sử về chùa Hương. Đây là một tin vui bởi sau bao nhiêu năm đằng đẵng, những người ưu tư với danh lam thắng tích đã  tìm lại được bộ ảnh cổ vô cùng quí giá.

Số ảnh tư liệu này chủ yếu do người Pháp chụp từ tháng 3 năm 1927 đến năm 1955 tại quần thể thắng cảnh Hương Tích, là những tư liệu có giá trị lịch sử vô cùng to lớn, lưu lại kiến trúc của quần thể chùa Hương.

Ảnh chụp Bến Trò vào năm 1927, trên bến hiện hữu chỉ một căn nhà xây mái ngói theo kiểu nhà dân để du khách dừng chân, nghỉ ngơi chốc lát trước khi lên Thiên Trù. 

Bến Trò ngày nay san sát những hàng quán làm dịch vụ phục vụ du khách, cùng với cổng soát vé đồ sộ.

Trong bộ tư liệu ảnh triển lãm, có tấm Đường lên Thiên Trù nhỏ hẹp hoang sơ, chỉ là lối mòn nhỏ men theo những khe hẹp giữa những vách đá. Vào nửa sau thế kỷ 20, đường lên chùa được chư Tăng và người dân kiên trì mở rộng dần ra. Từ khi tiếp nối các đời Tổ trụ trì, chùa Hương đã để lại dấu ấn trên nhiều công trình kiến trúc. Ngoài những công trình tại Thiên Trù, còn phải kể đến “Triều sơn lộ” - đó là con đường lát đá rộng rãi từ bến Trò lên Thiên Trù thuận tiện cho hàng vạn du khách hành hương mà không lo tắc đường.

Chiêm ngưỡng những tấm ảnh năm 1927 chụp toàn cảnh nhìn từ sân chùa Thiên Trù và toàn cảnh chùa nhìn từ cổng, tất thảy người xem hẳn sẽ quá đỗi ngạc nhiên. Bởi sân chùa xưa không có gác chuông cổ kính như ngày nay, mà chạy dọc 2 bên sân là đôi tòa nhà xây hai tầng theo kiến trúc kiểu Pháp có pha lẫn một vài nét phong cách Á Đông - kiểu kiến trúc nhà cửa rất thịnh hành ở Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ 20.

Nhà bia Hoàng Trọng Phu - dốc Trò - năm 1955 

Tấm ảnh chụp Cổng Tam quan Thiên Trù vào năm 1927 cho thấy kiến trúc tương đồng với Nam Thiên môn ngày nay, tuy nhiên điểm khác là Cổng chùa nay chỉ có 3 cửa, trong khi 2 cửa phụ ngách đã thay bằng cột trụ biểu. Chiêm ngưỡng cổ ảnh, nhận ra cổng chùa Thiên Trù được người xưa xây theo kiểu “Ngũ môn tam cấp” với 5 cửa, phía trên tọa lạc những lầu nhỏ nhiều mái phía sau. Bước lên những bậc thềm, qua ngũ môn đến gác chuông và chính điện (tiền đường, thượng điện). Bên cạnh gác chuông có lầu trống, lầu chuông, nhà tăng già, cùng các nhà cung văn, nhà oản…

Ảnh chụp  từ sân Thiên Trù nhìn xuống cổng Tam quan.

Trong bộ ảnh còn có tấm ảnh chụp Tam quan năm 1955: cổng đã bị vỡ nứt, 2 cổng ngách phụ không còn, phần cổng to nhất ở giữa bị mất một phần mái, đồng thời bị nứt rẽ làm đôi. Đây là bằng chứng cho thấy công trình bị hủy hoại do sự tàn phá của chiến tranh.

Hầu hết những công trình xưa đã không còn, ngày nay kiến trúc chùa Thiên Trù đã khác xưa rất nhiều

Công trình Thưởng lãm những cổ ảnh đen trắng chụp động Hương Tích và đường lên cổng động Hương Tích cách đây hơn 60 năm cho thấy quang cảnh thiên nhiên giống như ngày nay. Cổng động, đường từ cổng xuống động vẫn ngàn năm muôn vẻ cũ. Chỉ có khác chăng, ngày nay có con đường Quán Âm kiều rộng rãi bên ngoài cổng động, chứ không phải lối mòn nhỏ hẹp lổn nhổn đá thuở xưa. Những năm trước đây, đoạn đường vào cổng động Hương Tích vô cùng chật hẹp, suốt những ngày mùa lễ hội luôn xảy ra ách tắc bởi dòng người quá tải. Đường đá cheo leo trên vách núi nguy cơ có thể sụt lở bất cứ lúc nào. Bởi vậy, nhà chùa đã tổ chức xây dựng một cầu cạn vĩnh cửu trước cửa động Hương Tích để phục vụ người dân vào lễ Phật thuận tiện hơn, đặt tên Quán Âm kiều, hoàn thành vào năm 2009.

Trong động Hương Tích xưa còn tọa lạc những pho tượng quý như thấy ngày nay, trong đó nổi tiếng nhất là pho Phật Bà Quan Âm tọa sơn bằng đá xanh an vị chính giữa tòa Tam bảo, tượng do gia đình võ quan Nguyễn Huy Nhật tạc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ 02 (1793) để cúng dàng công đức.

Số ảnh tư liệu này chủ yếu do người Pháp chụp từ tháng 3.1927 đến năm 1955 tại quần thể danh lam thắng cảnh cổ tự Hương Tích. Đây là những tư liệu rất quý, lưu lại kiến trúc của quần thể chùa Hương, khách hành hương lễ Phật… có giá trị lịch sử hết sức to lớn.

Cầu Hội năm 1955

Chiêm ngưỡng bộ ảnh xưa, ta thấy suối Yến xưa cũng không khác mấy so với suối Yến ngày nay, nhưng thuyền đò chở khách du xuân thưa thớt hơn và suối Yến có vẻ hoang vắng.  Ngày nay, với gần 5.000 con đò chở khách, suối yến luôn nhộn nhịp từ sáng tinh mơ cho đến tận khuya.

Đại đức Thích Minh Khôi ( Chùa Hương) thuyết trình cho du khách về những bức ảnh quí giá của Chùa Hương cổ mà người Pháp đã chụp lại và hiện đang lưu trữ tại chùa.Đến với Chùa Hương, du khách sẽ thấy ngỡ ngàng về một Hương Sơn cổ kính được lưu lại qua những bức ảnh đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Bộ ảnh được trưng bày tại phòng triển lãm sân Thiên Trù.

Đến với Chùa Hương, du khách sẽ thấy ngỡ ngàng về một Hương Sơn cổ kính được lưu lại qua những bức ảnh đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Bộ ảnh được trưng bày tại phòng triển lãm sân Thiên Trù.

Một chuyến đò xuôi ta về quá khứ, để thấy chùa Hương vẫn ngàn năm muôn vẻ cũ, chỉ dòng người đến lễ Phật là ngày càng đông đúc thêm bội phần với lòng thành kính tín tâm. Đúng như câu thơ xưa: “Tượng đá trong hang mãi chẳng già/ Trăm năm rung động nét tài hoa/ Mắt người chưa thấy dung nhan Phật/ Mà tự tay người Phật hiện ra”.

Thu Huyền - BTV

Thêm bình luận :

THÔNG BÁO